Cả 2 đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.
Hiện nay, SSD đã dần trở nên phổ biến, hầu hết các hệ thống máy tính phổ thông đều được trang bị ổ cứng thể rắn. Linh kiện nhỏ bé này đã góp phần thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của người dùng PC.
SSD trên thị trường được phân loại thành khá nhiều dòng sản phẩm, dựa trên tốc độ, công nghệ chip nhớ và dung lượng của chúng. Nhưng rõ ràng nhất chắc chắn là phương thức giao tiếp, có 2 loại chính là SATA và PCI Express.
SSD sử dụng giao tiếp SATA là sản phẩm phổ thông nhất, thường có kích thước 2,5-inch mỏng, có thể lắp đặt trong các máy tính xách tay.
Hiện nay, giao tiếp SATA III đã được sử dụng rộng rãi, tốc độ đọc và ghi của giao tiếp này đạt giới hạn ở mức 6Gb/s, tương ứng khoảng 550MB/s R/W. Các ổ cứng SSD sử dụng giao tiếp SATA sẽ bị giới hạn ở tốc độ nêu trên.
Với tốc độ đọc và ghi luôn đạt ngưỡng trên 500 MB/s, các tác vụ sử dụng máy tính trở nên vô cùng mượt mà, bởi nó đáp ứng được yêu cầu xuất và ghi dữ liệu của các hệ điều hành máy tính hiện nay.
Một vấn đề mà các ổ cứng SATA gặp phải là nó luôn yêu cầu thêm một cổng cấp nguồn, dù cho điện năng nó yêu cầu là vô cùng nhỏ, điều này gây ra một số phiền toái cho người dùng trong quá trình chạy dây bên trong case máy tính.
SSD với PCI Express cũng đang dần trở nên phổ biến nhờ rất nhiều các ưu điểm. Về tốc độ, PCI-E 16x có thể mang tới băng thông bộ nhớ lên tới 16Gbps. tương ứng khoảng 2GB/s, gấp 4 lần so với SATA.
Tiếp theo, loại bỏ đi nhược điểm nêu trên của SATA, các ổ cứng sử dụng giao tiếp PCI-E sẽ không cần tới một dây cấp nguồn, nguồn điện được lấy từ chính khe cắm PCI-E. Tuy nhiên, giá của các sản phẩm loại này thường khá cao so với SSD SATA.
Ngoài ra, còn các sản phẩm SSD với kết nối M.2 hay U.2 cũng khá thông dụng. Tuy nhiên, SSD loại này vẫn sử dụng 1 trong 2 loại giao tiếp là SATA hoặc PCI-E. Nói cách khác, SSD M.2 sử dụng một chuẩn kết nối riêng, giúp tận dụng lợi thế về kích thước của nó, tuy nhiên chuẩn kết nối M.2 này sẽ vẫn cần tới giao tiếp SATA hoặc PCI-E để hoạt động và quyết định tốc độ truyền tải dữ liệu của nó.
Ví dụ, một số bo mạch chủ tích hợp sẵn kết nối M.2, nếu kết nối này nằm ở mặt trước, bên cạnh các khe PCI-E, thường đó sẽ là SSD M.2 PCI-E. Còn nếu được đặt ở mặt sau, trên các mainboard giá rẻ, khả năng lớn đó chỉ là một kết nối M.2 SATA với tốc độ giới hạn 550 MB/s mà thôi.
Đâu là lựa chọn dành cho bạn?
Bạn sử dụng desktop?
Với người dùng máy tính để bàn thông thường, các ổ cứng SSD SATA vẫn luôn là lựa chọn hợp lý nhất, bởi nó có giá thành rẻ cũng như tốc độ vừa đủ cho các tác vụ.
Nhưng nếu bạn sở hữu một hệ thống high-end. Mainboard của bạn có kết nối M.2 PCI-E, việc bỏ thêm ra một chút tiền cho SSD giao tiếp M.2 PCI Express với tốc độ cực cao là hoàn toàn hợp lý.
Hoặc trong trường hợp mainboard của bạn không hỗ trợ giao tiếp này, bạn vẫn có thể mua một sản phẩm SSD PCI-E vô cùng đơn giản, tốc độ siêu cao.
Nhưng cần phải nhớ rằng, tốc độ siêu nhanh trên các SSD sử dụng giao tiếp PCI-E sẽ không giúp hệ điều hành và các tác vụ thông thường hoạt động mượt mà hơn so với SSD SATA III là bao, bởi vậy chỉ nên chi thêm tiền nếu bạn có nhu cầu sử dụng các tác vụ đồ họa cao cấp, yêu cầu render ra các file media có bitrate lớn.
Bạn sử dụng Notebook?
Nếu đang dùng máy tính xách tay, khả năng cao lựa chọn duy nhất dành cho bạn là một chiếc SSD SATA III 2,5 inch. Hầu hết các laptop hiện này đều có thể thay thế ổ HDD 2,5inch bằng một SSD có tốc độ cao hơn. Trong trường hợp máy của bạn có DVD, hãy tháo bỏ thành phần ít sử dụng này và lắp thêm SSD bằng Caddy Bay.
Một số mẫu Ultrabook cũng được trang bị SSD dạng M.2 PCI-E có tốc độ cao, tuy nhiên chúng thường khó thay thế, và cũng không cần thiết phải thay thế.